Đường Xylitol cho con - gọi 0904189797

Người bình thường và khả năng đọc hiểu suy nghĩ - Theory of Mind


Dịch từ cuốn Teaching children with Autism to mind-read 
  
“Thuyết tâm ý” được định nghĩa như là khả năng suy đoán trạng thái tâm lí tình cảm của người khác (suy nghĩ, niềm tin, mong muốn và dự định của họ, v.v…), và khả năng sử dụng thông tin này để lý giải những điều họ nói, hành vi ứng xử của họ, và dự đoán được những điều họ sẽ làm tiếp theo. Khi trẻ bắt đầu nói, thường là chúng sẽ nói về những hành động chỉ trạng thái tinh thần. Từ khoảng 18 đến 30 tháng tuổi, những đứa trẻ phát triển bình thường đã nhắc đến các trạng thái tinh thần: cảm xúc, nguyện vọng, niềm tin, suy nghĩ, ước mơ, năng lực. Đến khoảng 3 – 4 tuổi, như một số nghiên cứu thí nghiệm đã chỉ ra, khả năng suy đoán tâm ý người khác của trẻ đã rất phát triển rồi.  Xuất hiện một số nghiên cứu tranh cãi rằng khả năng suy đoán này gọi là “thuyết” thì có phù hợp không. Chúng tôi không bàn luận đến vấn đề này, mà sẽ dùng từ trung tính hơn là khả năng đọc tâm ý của đối phương.
 
Dennett đề xuất cách trắc nghiệm khả năng đọc tâm ý đối phương bằng cách đưa ra các tình huống tồn tại những “niềm tin không trùng với thực tế”. Trắc nghiệm:

Sally có một chiếc giỏ
Anne có một chiếc hộp
Sally có một hòn bi và bỏ hòn bi vào trong chiếc giỏ
Sally ra ngoài đi dạo 
Anna lấy hòn bi ra khỏi chiếc giỏ và bỏ vào trong chiếc hộp
Bây giờ Sally quay lại. Cô bé muốn chơi với hòn bi của mình.
Cô bé sẽ tìm hòn bi của mình ở đâu?


Như các bạn thấy, trắc nghiệm này đòi hỏi bạn phải nhận định được là vì khi hòn bi bị cất đi chỗ khác, Sally không có ở đó, Sally không nhìn thấy điều đó và vì thế Sally sẽ không biết nó đã bị đổi chỗ, và vì thế hẳn là cô bé vẫn đinh ninh là nó vẫn ở chỗ cũ. Và khi ta hỏi: “Sally sẽ tìm hòn bi của mình ở đâu?” (thực tế là câu hỏi về suy nghĩ của Sally) thì đa số trẻ tầm 4 tuổi sẽ trả lời đúng.

Khả năng hiểu về "niềm tin không trùng với thực tế" là rất phức tạp, bởi vì một đứa trẻ sẽ phải hiểu Sally đinh ninh điều gì để dự đoán những hành động tiếp theo của Sally. Tuy nhiên, từ độ tuổi rất nhỏ, trẻ thường đã ý thức được là mọi người đều nắm giữ những thông tin nhất định trong đầu, nghĩa là họ nằm giữ thông tin ở các mức khác nhau. Một cách trắc nghiệm khả năng này ở trẻ nhỏ là bài kiểm tra khả năng đặt mình vào góc nhìn trực quan của người khác. Có hai mức độ: Mức độ 1 là khả năng suy luận đối phương có thể nhìn thấy những gì, thường xuất hiện ở trẻ tầm hai tuổi. Nghĩa là trẻ hai tuổi đã có thể bầy một vật cho người khác xem hoặc cất đi không cho xem nữa, khi ta yêu cầu. Mức độ 2 là biết suy luận vật đó sẽ trông như thế nào từ góc nhìn của đối phương. Khả năng này cần nhiều thời gian để trau dồi phát triển hơn. Thực tế là phải đến độ 3 - 4 tuổi, trẻ thường mới có thể làm được bài kiểm tra này. Ví dụ, nếu người kiểm tra và trẻ ngồi ở hai góc nhìn khác nhau, trẻ 3 tuổi sẽ không thể chỉ ra đúng người kia sẽ nhìn thấy con rùa trông như thể nào: cạnh phải lộn lên trên hay hình sẽ lộn ngược hẳn chiều so với trẻ.


Một hệ quả từ quá trình trau dồi khả năng đọc suy nghĩ của người khác là trẻ có thể hiểu nguyên lý “nhận biết xuất phát từ những gì nhìn thấy”. Ví dụ, trẻ 3 tuổi có thể dễ dàng chỉ ra ai trong số hai người: một đã nhìn vào hộp đựng đồ, còn một chỉ sờ vào hộp, là người biết trong hộp có gì. Khả năng này chứng tỏ rằng, từ khi còn rất nhỏ, trẻ đã nhận thức được về tầm quan trọng của việc tiếp cận thông tin để thu nạp kiến thức.


Có quá nhiều điều có thể nói về cách trắc nghiệm khả năng trẻ hiểu mỗi người nắm bắt thông tin ở mức độ khác nhau. Còn ước muốn và cảm xúc thì sao? Ước muốn thường được coi là một yếu tố nữa của trạng thái tinh thần bên cạnh niềm tin, giúp ta hiểu được hành vi của người khác. Hiểu được ước muốn và niềm tin, người ta có thể lý giải được tất cả các hành vi ứng xử của người đó. Ví dụ, khi xem một bộ phim, để lý giải tại sao diễn viên chính lại đi nhón chân vào căn hộ trống không của mình, chúng ta có thể lý giải nhân vật đó tin rằng có ai đó ở trong căn hộ và anh ta muốn đột nhập vào căn hộ mà không bị ai phát hiện. Có một số nghiên cứu nói rằng, trẻ thường nhận biết về ước muốn trước rồi mới đến niềm tin – thực tế, trẻ hai tuổi là đã nhận thức rõ ràng về ước muốn rồi.  Ta có thể lý giải khủng hoảng tuổi lên 2 là do trẻ dần dà nhận thức ra sự khác biệt giữa ước muốn của mình và của bố mẹ.  


Về khả năng hiểu các trạng thái cảm xúc, ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể phân biệt được nét mặt thể hiện vui, buồn, giận giữ, lo sợ. Đến khoảng 3 tuổi, trẻ em có thể dự đoán được tình huống nào sẽ dẫn đến cảm xúc gì, và khoảng 4 tuổi, chúng có thể suy đoán cảm xúc của mọi người từ ước muốn và niềm tin của họ. Ví dụ, nếu John đang mong một quyển sách mới, nhưng anh ta cho rằng trong hòm đồ không có quyển sách mới thì anh ta sẽ cảm thấy buồn.


Một trạng thái tinh thần quan trọng nữa đã và đang được nghiên cứu sâu đó là khả năng giả vờ. Đứa trẻ bắt đầu chơi các trò chơi giả vờ từ 10 – 18 tháng tuổi. Những thử nghiệm đối với trẻ thường đã biết nói cho thấy một khi chúng biết trả lời các câu hỏi, là chúng đã biết phân biệt giả vờ khác với thực tế. Chúng có thể lấy quả chuối để giả vờ chơi trò gọi điện thoại, mà không hề lẫn lộn chức năng sử dụng của hai vật này. Rõ ràng đây là một thành tựu không đơn giản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LinkWithin

Related Posts with Thumbnails